CÁC DỤNG CỤ CƠ BẢN ĐỂ LÀM BÁNH TẠI NHÀ CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU ĐƠN GIẢN VÀ TIẾT KIỆM (P.1)

Một khi đã đam mê với bánh trái thì tất nhiên cho dù có mua bao nhiêu đồ cũng cảm thấy là không đủ. Tuy nhiên, đối với các bạn mới học làm bánh thì việc lựa chọn mua cái gì là cần thiết, và quan trọng nhất là tiết kiệm thì quả là khó khăn. Bởi đồ làm bánh thì có vô vàn từ nguyên liệu cho đến dụng cụ, mà giá thành lại không hề rẻ chút nào. Trong bài viết hôm nay, TodayIBake sẽ giới thiệu cho các bạn một số những dụng cụ cơ bản để làm bánh tại nhà dành cho người mới bắt đầu học làm bánh.

CÁC DỤNG CỤ CƠ BẢN ĐỂ LÀM BÁNH TẠI NHÀ CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU ĐƠN GIẢN VÀ TIẾT KIỆM (P.1)
CÁC DỤNG CỤ CƠ BẢN ĐỂ LÀM BÁNH TẠI NHÀ CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU ĐƠN GIẢN VÀ TIẾT KIỆM (P.1)

Tiêu chí để lựa chọn những dụng cụ này đó là những món đồ được dùng thường xuyên, có thể làm ra được nhiều món bánh đơn giản mà những đồ dùng khác trong nhà bếp khó thay thế được. Đặc biệt là đối với các bạn mới học làm bánh, đây là những đồ dùng thiết yếu, nên ưu tiên để sắm đầu tiên.

1.Dụng cụ đo lường:

Dụng cụ đầu tiên mà các bạn cần chính là dụng cụ đo lường. Vì làm bánh yêu cầu độ chính xác cao đối với nguyên liệu, mỗi sự chênh lệch dù là nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến thành phẩm mà bạn làm ra. Dụng cụ đo lường thường gặp nhất là cân điện tử/cân tiểu ly; có thể cho độ chính xác đến từng gram nguyên liệu. Ví dụ như khi cân bột nở/men nở,… đều là những nguyên liệu chỉ cần dùng rất ít khoảng vài gram thì khó có thể ước lượng hoặc dùng cân đĩa thông thường được. Giá thành của cân điện tử khá rẻ, dao động trong khoảng 80.000vnd ~ 200.000vnd (tùy loại).

Ngoài ra còn một dụng cụ khác có thể thay thế cho cân điện tử chính là thìa đong/cốc đong. Giá thành của thìa/cốc đong này sẽ rẻ hơn cân điện tử một chút. Tuy nhiên, nó sẽ yêu cầu bạn phải nhớ một số đơn vị đo lường cơ bản.

VD: 1 cup = 240 ml

       1 tbsp = 15 ml (table-spoon)

       1 tsp = 5 ml (tea-spoon)

Ngoài 3 đơn vị đo lường chính trên thì những thìa/cốc đong này sẽ có thêm những đơn vị nhỏ hơn như ½ cup, ¼ cup, ½ tbsp, ½ tsp,… Đối với các chất lỏng thì các bạn chỉ cần đong đầy thìa/cốc đong này khi cân đo nguyên liệu. Còn đối với các nguyên liệu rắn thì các bạn đong bằng cách gạt ngang miệng thìa/cốc đong bằng quy đổi giữa khối lượng và thể tích các nguyên liệu hay dùng. Cách làm này thì thường tốn thời gian hơn và lằng nhằng hơn một chút nếu công thức làm bánh có nhiều loại nguyên liệu và độ chính xác không được cao.

VD: Đối với bột mỳ đa dụng: 1 cup tương đương 120 gram bột mỳ

       Đối với sữa tươi, kem tươi: 1 cup tương đương 240 gram sữa tươi

       Đối với men nở: 1 tsp tương đương 3 gram men

Các bạn có thể tham khảo thêm về bảng quy đổi nguyên liệu làm bánh cơ bản tại đây.

Nhìn chung thì các bạn có thể lựa chọn cho mình 1 trong 2 thứ là cân điện tử hoặc thìa/cốc đong. Tuy nhiên mình khuyến khích các bạn nên mua cân điện tử để có thể sử dụng dễ dàng hơn đối với tất cả các nguyên liệu mà giá thành không chênh lệch quá nhiều.

2.Phới dẹt/Spatula:

Dụng cụ thứ hai cũng quan trọng và hữu ích không kém đó chính là phới dẹt/spatula. Spatula (hay còn gọi là cây vét bột) là một trong những dụng cụ làm bánh thông dụng được sử dụng thường xuyên trong quá trình làm bánh. Spatula được làm với hình dáng mỏng dẹt, có cán dài linh hoạt có thể dùng trong những trường hợp vét, pha trộn hỗn hợp nguyên liệu trong làm bánh. Thực chất spatula thường được sử dụng để trộn bột, vét bột cả ở hỗn hợp khô hoặc hỗn hợp ướt. Thông thường thì spatula được làm từ chất liệu silicon mềm dẻo, phần đầu mỏng giống như lưỡi dao để giúp thực hiện các thao tác dễ dàng hơn. Spatula cán nhựa thường được gắn phần cán nhựa vào lưỡi vét, spatula đúc thì được làm 100% đúc liền thân nên rất chắc chắn và độ bền cao.

Ngoài công dụng trộn nguyên liệu, phới dẹt cũng được dùng trong nấu nướng hàng ngày

Phới dẹt/spatula được coi là một trong những dụng cụ làm bánh cơ bản, chính vì vậy mà bạn có thể tìm mua ở nhiều nơi, giá thành dao động trong khoảng 20.000vnd ~ 120.000vnd/cái (tùy kích cỡ và chất liệu).

3.Phới lồng:

Dụng cụ tiếp theo chính là phới lồng. Phới lồng có hình dạng tròn được tạo nên từ các sợi kim loại mỏng và mềm; thường dùng để đánh bông các loại nguyên liệu như trứng và kem tươi. Ngoài ra nó còn được dùng rất nhiều trong các công thức cần bọt khí như bánh bông lan, bánh không sử dụng bột nở…Một số loại bánh thường sử dụng đến phới lồng là các loại bánh cần đánh bông kem và trứng (bánh bông lan, bánh tiramisu, bánh muffin…) hoặc các loại bánh có nguyên liệu cần trộn đều (bánh su kem, panna cotta…). Giá thành của phới lồng cũng khá rẻ, dao động khoảng 50.000vnd ~ 120.000vnd (tùy kích cỡ).

Phới lồng dùng để trộn nhân kem trứng làm bánh su kem hoặc cũng có thể dùng để đánh bông kem tươi

4.Khuôn nướng bánh đế rời vuông/tròn:

Dụng cụ tiếp theo là khuôn bánh đế rời. Khuôn bánh đế rời có thể giúp chúng ta làm được rất nhiều các loại bánh, kể cả bánh dùng lò nướng và không dùng lò nướng, từ bánh mỳ cho đến bánh bông lan hay bánh mousse. Việc lựa chọn kích thước khuôn phụ thuộc vào 2 yếu tố: thứ nhất là khẩu phần trong gia đình, thứ hai là kích thước lò. Nếu làm bánh cho ít người ăn thì sẽ lựa chọn khuôn bánh nhỏ, nếu làm cho nhiều người ăn thì lựa chọn khuôn lớn. Ngoài ra cũng nên lựa chọn khuôn phù hợp với kích thước lò sao cho khi đặt khuôn vào rãnh giữa của lò vẫn còn đủ khoảng cách trên & dưới. Nếu khuôn to, đặt vào vừa khít so với lò sẽ dễ dẫn đến tình trạng bánh không chin được hoặc bị xém mặt bánh, không đủ không gian để bánh nở.

Khuôn tròn dùng để làm bánh bông lan

Cũng là khuôn tròn đế rời nhưng được dùng làm bánh mousse

Giá thành của khuôn bánh thì khó để ước chừng, vì nó còn phụ thuộc vào mẫu mã, chất liệu, kích thước. Ở đây tạm chia thành 2 loại là khuôn nhôm và khuôn chống dính/khuôn silicon. Đối với khuôn nhôm khi làm bánh bông lan sẽ có độ bám cho thành bánh, cũng là 1 yếu tố giúp bánh bớt bị xẹp, thắt eo khi ra thành phẩm so với khuôn chống dính. Đối với khuôn chống dính/khuôn silicon sẽ phù hợp để làm các loại bánh mỳ (bánh mỳ hoa cúc, bánh mỳ cuộn len,…). Việc lựa chọn khuôn còn tùy thuộc vào từng loại bánh. Nhưng nếu mới bắt đầu các bạn có thể lựa chọn khuôn nhôm đế rời, chống dính theo cách thủ công (quét bơ lên thành khuôn và phủ lớp bột mỏng) và sử dụng bình thường. Về lâu dài, bạn còn có thể tính toán để lựa chọn công thức với lượng nguyên liệu vừa đủ cho chiếc khuôn quen thuộc. Như vậy sẽ tiết kiệm kha khá khoản đầu tư ban đầu cho việc mua khuôn và sử dụng nguyên liệu.

5.Đui và túi bắt kem:

Làm bánh ngoài việc ngon miệng còn cần cả ngon mắt nữa. Chính vì thế mà chúng ta có thể sử dụng đui và túi bắt kem để trang trí cho bánh. Dụng cụ này khi mới bắt đầu cũng không cần thiết phải mua quá nhiều, có 2 loại đui hay sử dụng nhất đó là đui Wilton 1M hoặc 2D. Túi bắt kem có thể sử dụng túi silicon, sau khi dùng rửa sạch để dùng lại nhiều lần khá tiết kiệm. Việc sử dụng túi bắt kem và đui có thể giúp bạn tạo hình 1 số loại bánh quy, bánh su kem, hoặc trang trí bánh kem, cupcake đơn giản. Giá thành của 1 set đui và túi bắt kem trên thị trường hiện tại dao động khoảng vài chục nghìn, đối với đui của Wilton sẽ rơi vào khoảng vài chục nghìn đối với 1 cái đui bán lẻ.

Đui bắt kem trang trí bánh đơn giản

6.Máy đánh trứng:

Dụng cụ cuối cùng đó chính là máy đánh trứng. Đối với các công đoạn làm bánh, các bạn đều có thể làm bằng tay từ trộn nguyên liệu, nhồi bột, đánh bông kem tươi. Tuy nhiên máy đánh trứng sẽ giúp cho việc làm bánh của các bạn nhàn hơn rất nhiều và đặc biệt là đỡ nản chí với các bạn mới học làm. Máy đánh trứng có 2 loại chính là máy cầm tay và máy để bàn. Xét theo tiêu chí tiết kiệm dành cho người mới bắt đầu thì chúng ta nên lựa chọn máy đánh trứng cầm tay.

Nếu chỉ sử dụng để làm bánh bông lan các bạn có thể lựa chọn máy có công suất khoảng 170W ~ 180W. Còn đối với làm bánh mỳ thì nên chọn máy có công suất trên 350W (vì nếu không đủ công suất bột sẽ dễ bị quấn vào trục quay hoặc máy bị nóng ảnh hưởng đến thành phẩm). Giá thành của máy sẽ dao động từ hơn 100.000vnd (máy công suất nhỏ) đến hơn 1 triệu vnd (máy công suất lớn). Thông thường máy đánh trứng cầm tay sẽ có 2 đầu que đánh: que giống phới lồng dùng để đánh kem, trứng,… và que xoắn dùng để nhồi bột bánh mỳ.

Trên đây chỉ là những dụng cụ làm bánh cơ bản, thiết yếu nhất mà TodayIBake muốn giới thiệu đến các bạn khi mới bắt đầu tập làm bánh. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích một phần nào đó cho các bạn. Ngoài ra còn rất nhiều những đồ dùng cần thiết khác chúng mình sẽ liệt kê trong bài viết tiếp theo, các bạn hãy cùng theo dõi nhé!