XÔI NGŨ SẮC THƠM NGON ĐẸP MẮT

Từ lâu xôi ngũ sắc đã được biết đến là món ăn truyền thống, là đặc sản của người dân tộc Tày được rất nhiều du khách yêu thích. Gọi là xôi ngũ sắc vì món xôi này được tạo thành từ 5 màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

XÔI NGŨ SẮC THƠM NGON ĐẸP MẮT
Nguồn ảnh: Facebook Trương Hà Uyên

Đối với người Tày, thói quen nấu xôi ngũ sắc trong ngày lễ tết hoặc các dịp đặc biệt sẽ giúp cho họ gặp được nhiều điều may mắn, tốt lành. Bên cạnh đó, món ăn này còn là niềm tự hào của chị em phụ nữ Tày bởi nó thể hiện sự khéo léo và đảm đang của họ. Sau khi nấu xong, xôi ngũ sắc sẽ được bày thành hình bông hoa năm cánh đang khoe sắc, có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không hề lẫn với bất cứ món xôi nào khác.

Hiện tại, ngày càng có thêm nhiều chị em không chỉ là chị em phụ nữ Tày đã từng thử sức với món xôi ngũ sắc thơm ngon bắt mắt này. Với xu hướng hiện tại, mọi người không chỉ muốn ăn ngon miệng mà còn muốn món ăn phải được trang trí đẹp mắt và tốt cho sức khỏe. Chính vì thế màu sắc được lựa chọn dùng cho món xôi này phải là những màu có nguồn gốc từ thiên nhiên và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên việc sử dụng màu sắc từ thiên nhiên thường không được bền màu và rất dễ mất màu. Dưới đây là những kinh nghiệm và mẹo vặt để giúp cho món xôi giữ được màu bền đẹp và không dễ bị bay màu. (Kinh nghiệm được chia sẻ bởi bạn Trần Hà Uyên). 

Đầu tiên, chúng mình sẽ chuẩn bị 4 nguyên liệu tạo màu và 1 màu còn lại là màu trắng tự nhiên của xôi nếp. Tuỳ vào số lượng xôi nếp mà mọi người chuẩn bị nguyên liệu ít hay nhiều, màu đậm hay nhạt tuỳ thuộc vào sở thích của mọi người.

Lá dứa tạo màu xanh lá: lá dứa bỏ vào cối xay nhuyễn. Màu xanh lá dứa thường dễ bay màu vì vậy để màu đẹp và xanh hơn thì mọi người nên xay cùng rau ngót. 
Thanh long tạo màu đỏ hồng (hoặc có thể thay thế bằng màu đỏ của xôi gấc): Nếu sử dụng thanh long, mọi người xay nhuyễn, nấu cho nước thanh long sệt lại và đem ngâm gạo cùng 1 muỗng rượu trắng để giữ màu. Nếu sử dụng gấc, mọi người lấy ruột gấc, trộn với 1 muỗng rượu trắng, khi nào chuẩn bị đồ xôi mới đem trộn gấc với gạo.
Hoa đậu biếc màu xanh dương: hoa đậu biếc ngâm với nước sôi rồi lọc lấy nước.
Quả dành dành tạo màu vàng: quả dành dành bỏ vỏ lấy hạt, đập nát rồi ngâm với nước sôi. Loại quả này khi nấu chín sẽ hơi ngả xanh. Nên nếu muốn lên màu chuẩn mọi người có thể thay thế bằng bột nghệ để xôi lên màu được vàng đẹp hơn.

Sau khi đã tạo được màu thì các bạn vo sạch gạo nếp và đem ngâm với các màu cùng một chút muối, để qua đêm hoặc ít nhất 6 tiếng. Gạo nếp ngâm xong đêm đổ ra rổ cho ráo nước rồi đem hấp.

Đối với xôi màu xanh lá và xôi màu hoa đậu biếc là 2 màu bền nhất nên mọi người cứ hấp chín bình thường. Còn riêng màu vàng từ hoa dành dành sau khi hấp sẽ ngả xanh, màu hồng của thanh long thường ngả cam. Mẹo cho các bạn là nếu thấy xôi bị bay màu thì hãy dặm lại màu để màu được đẹp hơn nhé. Để xôi bóng đẹp thì mọi người lưu ý trộn màu bằng nước nóng để cho ra sản phẩm đẹp và không bị nhão.

Sau khi đồ xôi được khoảng 10 phút, chúng ta tiến hành rưới nước cốt dừa vào. Sau đó tiến hành rưới thêm 1 đến 2 lần nữa để xôi chín mềm. Ở những lần sau, mọi người nhớ để ý nếu thấy xôi đã ráo thì mới rưới tiếp nước cốt dừa để tránh làm xôi ướt sẽ cho ra thành phẩm bị nhão.

Khi xôi đã chín thì mọi người trộn thêm đường vào lúc xôi vẫn còn nóng, cứ cho từ từ và gia giảm tùy theo khẩu vị thích ăn ngọt nhiều hay ít thì mới cho thêm.

Thành phẩm yêu cầu là xôi chín mềm thơm, hạt tơi; đem ra bày theo sở thích, vậy là đã xong rồi. Mặc dù hơi mất thời gian ở khâu pha chế màu nhưng cũng đáng để thử sức phải không các bạn!