CÁCH LÀM BÁNH MỲ DỪA HOKKAIDO

Không biết có bạn nào còn nhớ món bánh mỳ nho dừa giống mình không? Hồi bắt đầu có nhiều các lò bánh mỳ điện mở ra, thấy quán nào cũng có món bánh này. Thường thì người ta sẽ làm thành các ổ bánh mỳ lớn, xé thớ ra có dừa vụn và nho ở bên trong; hoặc là sẽ tết như bím tóc và nhìn được rõ phần nhân dừa lộ trên các thớ bánh.

CÁCH LÀM BÁNH MỲ DỪA HOKKAIDO

Phần nhân sữa dừa bên trong bánh mỳ lúc nào cũng ngon và là niềm mơ ước của những đứa như mình hồi còn chưa biết làm bánh. Hồi đấy chỉ mong giá mà cái nhân dừa này nhiều hơn chút thì có phải tốt không? Mê lắm luôn ấy!!! Mà hồi tập làm bánh mình cũng không có dũng khí để thử làm bánh mỳ vì thấy công đoạn ủ bột, nhào bột sao mà lằng nhằng quá. Cho đến khi đã bắt đầu phân biệt được các loại nguyên liệu cơ bản, cách thức kết hợp nguyên liệu, nguyên nhân tại sao nhồi bột không đạt..vv.. mình mới bắt đầu làm thử lại. Một trong những món mình lựa chọn chính là bánh mỳ dừa Hokkaido – Hokkaido coconut bread. Công thức mình sử dụng là của Savourydays, khá dễ làm và thành phẩm siêu ngon. Mọi người tham khảo bên dưới nhé.

Món này dùng ăn sáng với cốc sữa là hết ý luôn

A. Nguyên liệu

1. Phần bánh mỳ:

  • 300 gram bột làm bánh mì (bột mì số 13)
  • 5 gram men nở
  • 15 gram sữa bột
  • 40 gram đường
  • 1 nhúm muối
  • 30 gram trứng gà (đánh tan một quả trứng gà lấy 30 gram để làm vỏ bánh, còn lại sẽ để làm nhân dừa)
  • 125 gram sữa tươi không đường
  • 75 gram kem tươi (whipping cream)

2. Phần nhân bánh:

  • 30 gram bơ nhạt
  • 100 gram dừa nạo sợi xay nhỏ hoặc cơm dừa mua ở các cửa hàng đồ làm bánh (nếu dùng cơm dừa khô thì giảm xuống còn 70 gram cơm dừa và ngâm với 30-50ml nước cốt dừa trong vòng 30 phút để dừa đỡ bị khô)
  • 30 gram đường bột
  • 20 gram trứng gà (còn lại từ phần làm bánh mỳ)

B. Cách thực hiện

  • Bước 1: Hâm nóng sữa tươi đến nhiệt độ khoảng 35-40 độ C (không nên để sữa quá nóng sẽ làm chết men); cho 5 gram đường và 5 gram men vào sữa, khuấy đều, đợi trong khoảng 5-10 phút cho men nở giống như gạch cua.
  • Bước 2: Cho bột mỳ, sữa bột, 35 gram đường còn lại và muối vào âu trộn bột, dùng phới trộn đều. Cho trứng, kem tươi, phần sữa tươi ở bước 1 vào âu bột, trộn đều cho các nguyên liệu hòa quyện. Dùng màng bọc thực phẩm hoặc khăn ẩm đậy kín âu bột, để bột nghỉ trong khoảng 20-30 phút (giúp cho khối bột hình thành gluten, nhồi bột ở bước sau sẽ dễ dàng hơn).
  • Bước 3: Nhồi bột trong khoảng 30-40 phút bằng tay hoặc 20-25 phút bằng máy nhào bột đến khi khối bột dẻo mịn, đàn hồi và mặt bột căng bóng. Lưu ý chỉ nhồi đến khi khối bột dẻo, đàn hồi, ấn vào khối bột sẽ thấy vết lõm phồng trở lại là đạt. Tránh nhồi quá nhiều sẽ làm đứt sợi gluten, bánh không xé thớ nữa.
  • Bước 4: Đặt toàn bộ khối bột vào một chiếc âu sạch có quét lớp dầu hoặc bơ mỏng; dùng màng bọc thực phẩm hoặc khăn ẩm phủ kín âu bột và ủ lần 1 đến khi bột nở gấp đôi. Trong lúc đợi ủ bột, chúng ra sẽ làm phần nhân bánh. Bơ nhạt để mềm ở nhiệt độ phòng, dùng phới dẹt miết ra mà bơ không bị chảy nước. Cho toàn bộ cơm dừa, đường và trứng vào trộn đều; bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh đến khi sử dụng.
  • Bước 5: Bột sau khi ủ lần 1, ấn xẹp hết bọt khí và chia thành các phần bằng nhau khoảng 90 gram/viên bột. Vê bột thành hình tròn có mặt mịn, để nghỉ khoảng 10 phút để dễ tạo hình. Sau khoảng 10 phút, cán bột thành hình oval dài khoảng 20cm, rộng 10cm, phết một lớp nhân dừa mỏng lên 1/2 chiều rộng của miếng bột, chừa ra 1cm mép bột để gói nhân. Gập đôi miếng bột theo chiều dọc, dùng dao cắt đôi, chừa ra 1 phần mép bên dưới của bột, tách đôi 2 phần bột ra tạo hình trái tim. Đặt bánh lên khay đã lót sẵn giấy nến, cách nhau một khoảng đủ để bột nở thêm. Ngoài ra các bạn có thể tạo các hình dáng khác nhau như hình bông hoa, tết tóc,…

  • Bước 6: Cho khay bánh vào lò nướng (không bật lò), đặt vào đó một cốc nước nóng để tạo độ ẩm, tiến hành ủ bột lần 2 đến khi bột nở khoảng 80% thì lấy bánh ra khỏi lò. Làm nóng lò ở 180 độ C trong 15 phút, quét mặt bánh bằng trứng đánh tan, nướng bánh ở nhiệt độ 175-180 độ C trong vòng 15-18 phút.

Bánh sau khi nướng để nguội ở nhiệt độ phòng, bảo quản trong túi kín được khoảng 2 ngày và ngăn mát tủ lạnh khoảng 5-7 ngày. Khi ăn có thể nướng lại ở 170 độ C trong khoảng 5 phút là được.

Thành phẩm bánh mỳ dừa Hokkaido thực sự rất mềm, thơm mùi sữa, bùi bùi ngậy ngậy của cơm dừa. Phần nhân cơm dừa này các bạn cũng có thể trộn cùng một chút bột trà xanh cũng rất phù hợp nhé. Chúc các bạn thành công!