MẸO BẢO QUẢN THỰC PHẨM TRONG MÙA DỊCH

Thật ra trước đây, gia đình mình ít khi phải bảo quản thực phẩm lắm. Vì nhà gần chợ, muốn ăn gì thì chạy ù đi mua là xong. Nhưng đùng cái thì dịch ập đến, mấy tháng liền giãn cách xã hội, chưa kể tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, một tuần mỗi gia đình chỉ được ra chợ tối đa 2 lần. Thế nên mình mới bắt đầu học cách mua và tích trữ thực phẩm để cho gia đình sử dụng trong thời gian dài.

MẸO BẢO QUẢN THỰC PHẨM TRONG MÙA DỊCH
Nguồn ảnh: Facebook Hoa Quỳnh Nguyễn

Nói vậy chứ thực ra mình cũng chỉ cần bảo quản thực phẩm trong khoảng 3-5 ngày, cùng lắm là một tuần thôi. Lâu dần, mình thấy rằng việc dành thời gian mua thực phẩm tươi mới hàng ngày không còn quá quan trọng nếu như mình biết cách bảo quản thực phẩm nữa! Bảo quản thực phẩm như thế này vừa giúp cho mình tiết kiệm được thời gian đi chợ, lại chủ động trong các bữa ăn hàng ngày (vì biết trước kế hoạch ăn uống và kết hợp các nguyên liệu đã mua để nấu nướng mà không bị bỏ quên một món nào dài ngày dẫn đến tình trạng phải bỏ đi do hư hỏng). 

Những mẹo vặt này là mình tìm tòi và cóp nhặt được từ nhiều chị em bạn bè, có thể chưa phải là tốt nhất hoặc đúng nhất nhưng mình thấy có thể dùng để chia sẻ cho mọi người. Nếu các bạn có thêm những mẹo vặt nào hay hơn giúp bảo quản thực phẩm thì chia sẻ với mình để chúng ta cùng học tập nhé.

Chuẩn bị các loại hộp tích trữ

Muốn tích trữ thực phẩm thì trước tiên phải có hộp rồi. Hiện nay, có rất nhiều loại hộp dùng để bảo quản thực phẩm từ đồ ăn tươi sống cho đến rau, củ, quả hay đồ khô. Mọi người có thể lựa chọn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của gia đình nhé. Tuy nhiên nên lựa chọn những loại hộp có nắp đậy kín sẽ giúp đồ ăn không bị ám mùi lẫn lộn hoặc bám mùi vào tủ lạnh.

Cách sơ chế và bảo quản

Đối với đồ ăn tươi sống (thịt, cá, tôm,…): rửa sạch, để thật ráo nước hoặc thấm khô và bảo quản ở ngăn đông. Cắt sẵn từng miếng nhỏ theo từng bữa ăn để vào từng hộp riêng để tiện rã đông và chế biến. Nếu sử dụng hộp lớn thì lót giấy nến để ngăn cách các phần ra, khi nào lấy sẽ dễ hơn. Tránh trường hợp rã đông rồi ăn không hết lại cho vào tủ lạnh tiếp thì không tốt.

Đối với các loại gia vị (hành, tỏi, ớt…)

  • Tỏi: bóc sẵn, rửa sạch, thấm khô hết nước, xay nhuyễn, cho vào khay đá tổ ong có nắp và cho vào tủ đá 4 tiếng, sau đó gỡ ra cho vào lọ/hộp kín và để lại vào ngăn đá để khi nào nấu ăn thì lấy từng viên ra dùng dần.

Nguồn ảnh: Facebook Hoa Quỳnh Nguyễn

  • Hành lá: hành lá rửa sạch để ráo nước, một phần đem cắt nhỏ để vào ngăn đông dự trữ lâu (chiên trứng, nấu ăn); một phần cắt khúc cho vào hộp có lót giấy, cứ xếp một lớp hành một lớp giấy lần lượt và bảo quản trong ngăn mát.
  • Ớt: rửa sạch, thấm khô hết nước, một phần cất ngăn đông để sử dụng lâu. Một phần có thể cắt sẵn thành lát dùng để pha nước chấm.
  • Các loại gia vị khác như hạt tiêu, lá thơm,… bảo quản trong hộp kín ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Đối với một số loại rau, củ, quả

  • Rau giá: giá đỗ ngắt bớt phần rễ, rửa sạch, cho vào hộp đổ ngập nước và cất trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được lên đến 7 ngày. Nếu có thể thay nước thường xuyên thì sẽ bảo quản được lâu hơn nữa. (Cách làm này có thể áp dụng tương tự đối với với đậu phụ).
  • Cà chua: đối với cà chua bi rửa sạch, thấm khô, để vào hộp có lót giấy, phủ thêm một lớp giấy khác trên mặt cà chua và bảo quản trong ngăn mát. Đối với cà chua quả to thông thường có thể để trong rổ/giá và bảo quản ở nhiệt độ phòng (tránh để quá nhiều để cà chua bị đè lên nhau, dẫn đến dập, bẹp, nhanh hỏng).
  • Các loại rau xanh: nhặt sạch, tuyệt đối không rửa nước, cho vào các hộp có lót giấy, nếu nhiều thì xếp một lớp rau, một lớp giấy, cuối cùng phủ thêm một lớp giấy trên mặt rau và đậy nắp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Ăn đến đâu lấy ra rửa và chế biến đến đấy.
  • Cà rốt: cũng không cần rửa trước, cắt bỏ bớt lá cà rốt vì lá sẽ hút ẩm và khiến cà rốt hỏng nhanh, gói cà rốt bằng giấy và cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát.
  • Khoai tây, khoai lang: bảo quản ở nhiệt độ phòng, thoáng khí, nơi không gian tối nhất trong bếp. Có thể để trong một chiếc hộp giấy bìa carton có nắp đậy hờ, bảo quản được khá lâu (lên đến 2 tuần).
  • Nếu bạn nào hay ăn smoothie, hay sử dụng các hoa quả như bơ, chuối, dâu tây, việt quất,… có thể cắt miếng nhỏ chia vào từng túi zip, ăn bữa nào lấy bữa đó ra xay rất tiện.

Đối với các loại đồ khô

  • Mỳ, miến, bún khô: sau khi bóc túi và chưa dùng hết nên để trong các hộp thật kín bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Tương tự với các loại hạt như đỗ tương, đỗ đen, lạc, bột mỳ,… cũng nên bảo quản trong hộp kín ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Cuối cùng là cách khử mùi tủ lạnh

Việc bảo quản thực phẩm trong thời gian chắc chắn sẽ tạo nên mùi khó chịu nếu không thể vệ sinh tủ lạnh thường xuyên. Chúng ra có thể khử mùi thức ăn và giữ cho tủ lạnh có mùi thơm tho bằng cách sử dụng vỏ cam, quýt, bưởi để trực tiếp vào tủ lạnh. Hoặc nếu không có thì thay bằng vài lát chanh cắt lát mỏng và để vào tủ. Nhưng nhớ là chỉ để 2-3 ngày thì thay mới để tránh chính những miếng vỏ cam/quýt hay những lát chanh đó lại gây ra mùi cho tủ các bạn nhé. Cách tốt nhất là hãy cố gắng vệ sinh tủ lạnh định kỳ để đảm bảo tủ không bị mùi, không tích tụ vi khuẩn xấu gây hại đến sức khỏe cho cả gia đình.

Hy vọng bài viết hữu ích với các bạn!