BÁNH BÔNG LAN PHO MAI NHẬT BẢN – JAPANESE COTTON CHEESECAKE
Chiếc bánh bông lan siêu mềm mại, tan trong miệng, ra tiệm mua thì đau ví, mà tự làm thì cũng cực kỳ khó để chinh phục.
Có thể nói Japanese cotton cheesecake là một món bánh khá được ưa chuộng bởi độ mềm mại, thơm mùi pho mai, tan trong miệng. Tuy nhiên nguyên liệu để làm ra nó thì không hề rẻ, mà tỷ lệ thất bại khi làm lại khá lớn. Bài viết dưới đây, TodayIBake sẽ chia sẻ đến các bạn công thức để làm một chiếc bánh bông lan pho mai Nhật Bản cùng một số kinh nghiệm dành cho các bạn đang muốn chinh phục món bánh khó nhằn này.
Về công thức, các bạn có thể tìm thấy vô vàn công thức khác nhau trên mạng, mỗi công thức sẽ cho ra thành phẩm khác nhau về hương vị, độ ngậy/ độ béo,… Có người thích ăn bánh rõ vị pho mai, có người lại không thích. Mình học được công thức này qua facebook của chị Huỳnh Ngọc Mỹ Phương, cảm thấy độ ngọt vừa, vị pho mai không quá đậm nhưng vẫn rất thơm.
1. Nguyên liệu:
- 90 gram cream cheese
- 30 gram bơ nhạt
- 65 gram sữa tươi không đường
- 35 gram bột mì số 8 (bột làm bánh bông lan)
- 10 gram bột bắp
- 1 tsp tinh chất vanilla
- 3 quả trứng gà (khoảng 65gr/quả tính cả vỏ)
- 60 gram đường cát
- Khuôn tròn đường kính 15cm hoặc khuôn oval loại làm bánh mì hoa cúc. Nên sử dụng khuôn đế liền vì khi nướng sẽ nướng cách thủy. Nếu sử dụng khuôn đế rời, dễ bị lọt nước vào làm ướt đế bánh hoặc lích kích thêm khâu bọc giấy bạc quanh thành khuôn.
2. Cách thực hiện:
Bước 1: Cho pho mai và sữa tươi vào nồi đun trực tiếp trên bếp ở lửa nhỏ đến khi pho mai tan chảy hoàn toàn. Tiếp tục cho bơ nhạt vào khuấy đến khi bơ tan chảy gần hết. Tắt bếp và nhấc nồi ra khỏi lò, tiếp tục khuấy cho bơ tan hoàn toàn. Lúc này hỗn hợp ấm nóng nhẹ chứ ko quá nóng.
Bước 2: Cho vào âu lòng đỏ trứng và tinh chất vanilla dùng phới lồng khuấy tan., từ từ đổ hỗn hợp phô mai vào, vừa đổ vừa khuấy đều, đến khi tất cả hoà quyện. Lưu ý vừa đổ vừa khuấy để lòng đỏ không bị vón, khi đổ hỗn hợp pho mai vẫn còn ấm nóng nhẹ cũng sẽ giúp khử mùi tanh của trứng. Ở bước này các bạn đã bắt đầu cảm nhận được hương thơm của cream cheese và vanilla rồi.
Bước 3: Rây bột mì và bột bắp vào khuấy đều nhẹ nhàng đến khi hỗn hợp mịn mướt và không còn lợn cợn bột và để sang một bên. Nếu cảm thấy hỗn hợp bị lợn cợn thì có thể lọc qua rây 1-2 lần nữa.
Bước 4: Lòng trắng trứng khi chưa làm đến thì cất trong ngăn mát tủ lạnh. Chia đường làm 3 lần để cho vào từ từ và đánh đến khi lòng trắng bóng mịn nhưng vẫn mềm, khi nhấc que đánh trứng lên tạo chóp mềm chảy xuống chứ không cứng như làm bánh bông lan thông thường. Chia lòng trắng trứng thành 3 phần và trộn vào hỗn hợp lòng đỏ theo phương pháp fold bột.
Lòng trắng trứng bông mềm, lắc que đánh hơi thấy rung rinh chứ không cứng (Nguồn ảnh: Huỳnh Ngọc Mỹ Phương)
Bước 5: Đổ bột vào khuôn đế liền có lót giấy nến ở đáy khuôn. Sau đó đặt vào một cái khay nhỏ chế nước sôi vào khay. Cho bánh vào nướng ở rãnh dưới cùng của lò ở 150 độ C trong 80 phút – 100 phút. Sau khoảng thời gian trên nếu thấy mặt bánh chưa vàng thì có thể tăng nhiệt độ lên khoảng 165 độ C rồi nướng thêm 5-10 phút. Bánh chín mở hé cửa lò khoảng 5 phút để bánh hạ nhiệt từ từ rồi mới lấy ra. Bánh lấy ra khỏi lò đã co lại và tự tách khỏi thành khuôn, dễ dàng lấy ra và lột phần giấy nến lót bên dưới. Hong bánh trên rack cho nguội hoàn toàn, nhớ quay mặt bánh lên trên để giữ mặt bánh được mịn đẹp.
Nguồn ảnh: Facebook Huỳnh Ngọc Mỹ Phương
Bánh khi mới lấy ra sẽ hơi rung rinh, bồng bềnh nhưng khi nguội sẽ cứng lại và dễ cắt hơn mà không hề bị khô. Bánh sẽ ngon hơn khi được bọc kín và cất trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất 3 tiếng. Khi cắt bánh nên sử dụng dao sắc, đưa qua đưa lại như cưa gỗ chứ không ấn mạnh. Thành phẩm đạt chuẩn là khi cắt đường cắt ngọt, không bị vụn bánh, nhìn lát cắt thấy bọt khí đều mịn. Bánh dùng không hết có thể bảo quản trong ngăn mát và dùng hết trong vòng 3 ngày.
Nguồn ảnh: Facebook Huỳnh Ngọc Mỹ Phương
Trên đây là phần công thức và cách để làm ra một chiếc bánh bông lan pho mai Nhật Bản theo mình là phù hợp dành cho các bạn đang tập làm. Vì nguyên liệu để làm món bánh này có giá khá cao nên mình thấy sử dụng lượng nguyên liệu như trên là hợp lý. Thành phẩm bột khi đổ khuôn oval bánh mỳ chỉ nên đổ cách thành khuôn khoảng 1cm vì bánh sẽ nở thêm, trộn lượng bột như trên mình thấy hơi dư ra một ít so với khuôn oval này, các bạn có thể dùng thêm 2-3 chiếc cupcake để nướng bánh nhỏ nữa. Khi nào đã quen tay làm thì mọi người tăng lượng nguyên liệu lên để tránh lãng phí nếu nhỡ có làm hỏng nhé. Những lưu ý để có một chiếc bánh ngon và vẻ ngoài hoàn hảo, mình sẽ tổng hợp trong một bài viết khác; vì như đã nói bên trên chiếc bánh này nhìn bề ngoài thì khá đơn giản nhưng để chinh phục nó cũng tốn kha khá công sức mà J