CÁCH LÀM BÁNH ĐÚC TRUYỀN THỐNG
“Có một thứ bánh đúc được người ta mến nhất, không những ăn ngon miệng mà lại rẻ tiền nữa, là bánh đúc chấm tương…” Trích Miếng Ngon Hà Nội – Vũ Bằng
Ẩm thực có một điểm rất đặc biệt đó là hiếm khi bị lãng quên hay mất dấu. Có thể ở thời điểm hiện tại món này được ăn nhiều, món kia bớt được ưa chuộng. Nhưng đến một ngày, chính cái sự bớt chuộng ấy sẽ thôi thúc người ta làm mới những thức quà xưa cũ. Bánh đúc là một món ăn có rất nhiều những phiên bản hiện đại hấp dẫn ngon lành. Thế nhưng trong ẩm thực, đôi khi sự giản đơn mới chính là hương vị khiến người ta nhớ mãi.
Món bánh đúc lạc truyền thống trông đơn giản thế thôi, nhưng để làm ra một mẻ bánh đạt chuẩn giòn dẻo, mướt mềm, không nồng mùi vôi là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ đấy nhé. Hãy cùng Todayibake học ngay bí kíp làm món bánh đúc truyền thống ngay nhé.
A. Nguyên liệu
- 500 gram gạo tẻ
- 2 lít nước vôi trong
- 300 gram lạc nhân (nếu mọi người thích nhiều lạc có thể cho nhiều hơn)
- 200 gram mỡ phần
- 2 muỗng canh mỡ hoặc dầu ăn
- 1/2 thìa cà phê muối
- Dụng cụ gồm có nồi sâu lòng đế dày, khuôn lót lá chuối
- Nước chấm gồm có tương bần, mắm nêm, ớt chưng,.. hoặc ăn kèm riêu cua.
Nguồn ảnh: Facebook Nhung Nguyen
B. Cách làm
Bước 1: Gạo đãi sạch, ngâm qua đêm với nước vôi trong rồi đem đi xay bột hoặc các bạn có thể tự xay bột tại nhà với một chiếc máy xay có công suất đủ lớn. Với lượng gạo này sẽ cần dùng 1.8-2 lít nước. Sau khi xay, cho muối vào hòa tan với hỗn hợp.
Lạc giữ nguyên lớp vỏ lụa, rửa sạch, luộc chín, vớt ra để ráo. Mỡ phần cắt miếng đem rán để thu được tóp mỡ và mỡ.
Bước 2: Quấy bánh đúc – món này thành hay bại quan trọng nhất là bước này.
Quấy bánh đúc mất khá nhiều thời gian và dễ bị dính nồi. Chính vì thế các bạn nên chọn những chiếc nồi có đế dầy và chịu nhiệt tốt. Trước khi quấy nên tráng bằng một lớp mỡ hoặc dầu ăn rồi mới đổ bột vào. Khi đổ bột vào nồi nên đổ qua rây lọc để đảm bảo bột được mịn sẽ cho ra thành phẩm mịn mướt mặt.
Khi bắt đầu nên để lửa ở mức trung bình và khuấy luôn tay, đến khi có hơi bốc lên và bột hơi dính thì hạ lửa nhỏ nhất và tiếp tục quấy. Trong suốt thời gian này các bạn sẽ cần quấy bột liên tục để bột được dẻo, không dính đáy và bị khê. Khi bột bắt đầu sệt lại và ngày càng nặng tay, các bạn cần tăng tốc độ lên một chút đến khi bột đặc mịn. Tiếp tục nâng lửa lên mức nhiệt trung bình, bạn cứ quấy đến khi bột chảy dẻo ra và chuyển màu trong. Lúc này, chúng ta sẽ cho vào 1-2 muỗng canh mỡ/dầu ăn. Nên dùng mỡ để bánh có vị ngậy và mặt bánh bóng mượt hơn nhé. Cuối cùng là cho lạc và tóp mỡ vào trộn đều, nhớ là không được dừng tay khuấy trong suốt quá trình nhé.
Bước 3: Đổ khuôn
Khi bột dẻo nặng và đặc lại thì các bạn nên đổ ra khuôn luôn. (Nếu bột vẫn lỏng thì là chưa đạt nhé). Khuôn có thể dùng các loại chén, đĩa lòng nông, hình dạng tùy ý. Còn bánh đúc truyền thống sẽ đổ ra mẹt lót sẵn lá chuối, đợi cho bánh nguội và đông lại thì có thể cắt miếng được.
Bánh đúc sau khi để nguội, se mặt các bạn cắt thành các miếng vừa ăn, chấm tương bần pha chút đường cùng vài lát ớt là chuẩn luôn. Thực ra nước chấm bánh đúc khá đa dạng, chủ yếu mọi người chấm tương bần hoặc mắm chanh ớt; một số nơi cắt mỏng dài ăn với canh riêu cua thanh mát. Nếu có điều kiện thì các bạn hãy thử nhé!
Ngoài bánh đúc truyền thống, gần đây có món bánh đúc nóng cũng khá hot, các bạn tham khảo cách làm tại đây nhé.