BÍ KÍP DÀNH CHO NGƯỜI MỚI HỌC LÀM BÁNH

Bạn là một người yêu thích công việc làm bánh hay đôi khi chỉ là muốn thử sức làm một món bánh nào đó? Nhưng bạn lại không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải làm thế nào, hay bạn đã hoàn thành xong mà chất lượng bánh không như mong đợi. Hãy để TodayIBake gợi ý cho bạn một số bí kíp dành cho các bạn mới bắt đầu học làm bánh.

BÍ KÍP DÀNH CHO NGƯỜI MỚI HỌC LÀM BÁNH
  1. Tìm nguồn học đang tin cậy

Điều này nghe có vẻ mơ hồ nhưng thật ra lại rất quan trọng đấy. Hiện nay bạn có thể dễ dàng tìm được công thức làm tràn lan trên mạng xã hội, sách báo, youtube,… Tuy nhiên để có được công thức chỉ dẫn cặn kẽ và chuẩn xác nhất bạn nên tìm đến các nguồn uy tín, các trang web/kênh youtube lớn có độ tin cậy cao. Hãy xem và follow 1 youtuber hoặc fanpage mà bạn yêu thích, làm thử theo các công thức mà họ hướng dẫn. Bạn sẽ nhận ra mỗi người có 1 ưu điểm riêng về loại bánh nào đó hay phong cách làm bánh khác nhau. Dần dần khi xem nhiều công thức hoặc video hướng dẫn bạn có thể đánh giá được sự khác nhau giữa các công thức đó và nguyên nhân tại sao họ lại lựa chọn như vậy. Bên cạnh đó, bạn còn có thể tìm đến các trung tâm dạy làm bánh hoặc tham gia các khóa học, hoặc thậm chí là 1 buổi workshop học làm 1 loại bánh nhất định mà bạn yêu thích. Tất cả đều sẽ giúp cho bạn trau dồi được kỹ năng và học hỏi các kỹ thuật làm bánh chính xác, đầy đủ.

Lựa chọn công thức từ nguồn đáng tin cậy

  1. Đọc thật kỹ công thức

Sau khi đã chọn ra được công thức ưng ý rồi, chúng ta hay có thói quen đọc đến đâu làm đến đó nên việc chuẩn bị và thực hiện thường bị gián đoạn rất nhiều. Điều này làm cho bạn không hình dung được các quy trình làm bánh một cách trọn vẹn. Vì vậy hãy đọc thật kỹ công thức, có thể là đọc từ 2 đến 3 lần để hình dung ra được cách làm cũng như sắp xếp chúng một cách khoa học. Đến khi bắt tay vào thực hiện, các công đoạn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo tính chính xác và phần trăm thành công lớn hơn.

  1. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và cân đo nguyên liệu chính xác

Trước khi bắt tay vào công cuộc làm bánh, hãy chuẩn bị sẵn dụng cụ cần thiết cho món bạn sắp làm. Trong hầu hết các video hướng dẫn, bạn sẽ thấy mọi người thường chuẩn bị sẵn khuôn nướng có lót giấy nến, hoặc quét bơ chống dính,… Điều này khá là quan trọng đối với một số công thức bánh, vì ngay sau khi bạn trộn nguyên liệu, hỗn hợp bột cần được cho vào nướng luôn để cho ra thành phẩm tốt nhất. Nếu như không chuẩn bị trước, hỗn hợp bột bánh của bạn sẽ phải đợi thêm 1 vài phút hoặc lâu hơn để được cho vào nướng, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng phải không nào?

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và kiểm tra lại một lượt các nguyên liệu

Ngoài ra, hãy cân đo nguyên liệu từng thứ riêng rẽ bằng dụng cụ đo lường chuyên dụng thật chính xác. Bởi mỗi định lượng trong làm bánh dù chỉ là chênh lệch nhỏ nhất nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến thành phẩm của bạn. Bên cạnh đó, việc cân đo trước các nguyên liệu còn giúp cho bạn kiểm soát được liệu bạn có bị thiếu mất nguyên liệu nào không. Còn gì tệ hơn khi đang dang dở làm bánh mà bạn chợt nhận ra mình thiếu mất một món nào đó hay dụng cụ để thực hiện đúng không? Quả thực nó sẽ khiến cho thành phẩm mà bạn làm ra không được trọn vẹn như mong muốn đấy.

  1. Bảo quản nguyên liệu ở nhiệt độ phù hợp

Bảo quản nguyên liệu ở nhiệt độ phù hợp là điều rất quan trọng bạn cần tuân thủ khi làm bánh. Ví dụ đối với trứng, không nên đánh trứng khi nhiệt độ còn lạnh hoặc mới lấy trong tủ lạnh ra, trứng cần được để ở nhiệt độ phòng trong khoảng 30 phút trước khi sử dụng để đánh bông hay làm bánh. Tương tự như vậy bơ cũng là nguyên liệu cần để mềm tự nhiên ở nhiệt độ phòng trước khi đánh, không nên đánh khi chúng còn đang cứng, đồng thời cũng nên hạn chế việc đun cho tan chảy. Nhưng đối với kem tươi (whipping cream) nếu muốn đánh bông lại phải lưu ý giữ cho kem tươi, âu đánh và que đánh luôn luôn lạnh. 

  1. Rây nguyên liệu khô

Sau khi mở túi của các nguyên liệu, nếu không thường xuyên sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng nguyên liệu bị ẩm và dễ vón cục. Việc rây các nguyên liệu khô như bột mỳ, bột nở, đường bột,… là cực kỳ cần thiết. Ngoài ra, việc làm này còn giúp kết cấu của bánh không bị rỗ, các nguyên liệu hòa quyện dễ dàng hơn. Đặc biệt là với các món bánh như su kem, bánh bông lan. Bạn có thể rây bột vào một tô lớn hoặc bên trên giấy sáp không thấm nước để không bị bẩn vào quần áo hoặc các vật xung quanh.

  1. Đong các nguyên liệu và đập trứng vào bát riêng

Như đã nói bên trên, mỗi một nguyên liệu cần đong đo theo công thức thật chính xác. Việc đong các nguyên liệu vào từng bát riêng để tránh trường hợp đổ quá tay và không thể lấy lại được. Ví dụ như khi bạn phải đong 100 gram bột mỳ trộn với 20 gram bột ngô mà lỡ tay đổ quá nhiều bột ngô, sẽ rất khó để lấy chỗ bột thừa đó ra. Hoặc đong nguyên liệu ướt (sữa tươi, trứng, nước,…) vào nguyên liệu khô mà cũng nhỡ đổ quá thì cũng như vậy. Tương tự với trứng, nên đập từng quả một vào bát nhỏ sau đó mới đổ chung vào hỗn hợp bột khô để kiểm tra chất lượng của trứng. Việc này giúp bạn đề phòng trường hợp trứng bị hư hỏng hoặc lòng đỏ bị vỡ nếu bạn cần làm món bánh cần tách riêng lòng trắng và lòng đỏ. Nhìn chung nếu đập trứng trộn chung với bột cùng một lúc, có thể bạn sẽ gặp rất nhiều rủi ro và hỏng cả mẻ bột bánh dẫn đến phải chuẩn bị lại mọi thứ, rất tốn thời gian và chi phí.

  1. Điều chỉnh nhiệt độ lò trước khi nướng và không mở lò trong quá trình nướng

Hầu hết mọi công thức sẽ nhắc bạn làm nóng lò trước. Nhiệt độ ảnh hưởng khá nhiều đến màu sắc, hương vị và đôi khi đến cả hình dáng bánh bởi chúng sẽ tác động đến độ nở xốp của bánh. Vì vậy hãy nhớ để căn chỉnh nhiệt độ sao cho lò nướng được làm nóng trước ít nhất 15 phút trước khi bánh được đem đi nướng để đảm bảo chất lượng của sản phẩm nhé.

Ngoài việc làm nóng lò trước khi nướng, nhiệt độ lò nướng cũng phải được đảm bảo độ nóng trong suốt quá trình nướng bánh. Vì vậy hãy lưu ý tránh mở cửa lò để kiểm tra bánh khiến không khí lạnh tràn vào làm thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến bánh bị xẹp, ko nở được. Trước khi bánh chín khoảng 10 phút, hoặc bánh đã chuyển màu thì có thể kiểm tra và xoay khuôn để bánh chín đều hơn. Để đảm bảo theo dõi được toàn bộ quá trình nướng bánh bạn nên bật đèn trong lò, chỉnh đồng hồ căn giờ và theo dõi quá trình bánh nở qua cửa kính lò nhé.

Sắm một chiếc nhiệt kế cũng là cách để kiểm soát nhiệt độ lò dễ dàng hơn

  1. Kiểm tra bánh chín hay chưa và làm nguội bánh trước khi gỡ khuôn

Bạn nên kiểm tra bằng cách dùng chiếc tăm hoặc que chuyên dụng chọc vào bánh để xem bánh chín hay chưa bởi thời gian nướng của mỗi lò có thể chênh lệch so với công thức. Sau đó hãy để bánh được làm nguội hoàn toàn trước khi lấy bánh ra khỏi khuôn, tránh tình trạng bánh bị vỡ hoặc còn dính ở khuôn. Đối với bánh bông lan, hãy dùng mũi dao nhọn nạy nhẹ xung quanh vành bánh cho bánh rời ra, sau đó úp nhẹ bánh xuống mặt phẳng hoặc khay để lấy bánh. Đối với bánh mỳ hoặc các loại có lót giấy nến chống dính, hãy để bánh nguội bớt rồi gỡ ra. 

Quan trọng nhất là luyện tập thường xuyên để nâng cao tay nghề

Trên đây là tổng hợp một số bí kíp dành cho các bạn mới học làm bánh, với những chia sẻ này hi vọng bạn sẽ có thêm cho mình nhiều bí quyết hay để hoàn thiện mẻ bánh thơm ngon. Đồng thời, thường xuyên tập luyện và thực hành với nhiều công thức khác nhau cho cùng một món bánh cũng giúp bạn có thêm kiến thức, sự so sánh và bí quyết riêng. Chúc bạn thành công trong công cuộc học làm bánh và đừng quên theo dõi trang TodayIBake để cùng nhau chia sẻ niềm đam mê này nhé.