KHÁM PHÁ CÔNG DỤNG CỦA CỎ LÚA MÌ – THẦN DƯỢC CỦA TỰ NHIÊN
Cỏ lúa mì hay còn gọi là tiểu mạch thảo, mầm lúa mì hay cỏ lúa mạch. Cỏ lúa mì là thân và rễ của cây lúa mì non từ 8-15 ngày tuổi. Tại sao cỏ lúa mì lại đem đến nhiều công dụng và cách sử dụng cỏ lúa mì như thế nào để đem lại hiệu quả, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút nhé.
Có thể bạn không biết cỏ lúa mì có chứa khoảng 13 vitamin, 10 khoáng chất, 17 axit amin và hơn 100 enzyme. Những dưỡng chất này có lợi ích rất tốt đối với sức khỏe con người, giúp làm sạch, kiểm hoá, nuôi dưỡng máu và tăng sức đề kháng cho cơ thể của bạn. Cỏ lúa mì chứa một hàm lượng cao chất diệp lục, các vitamin nhóm B, C & E… Tất cả những chất này đều rất cần thiết cho các quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Mỗi một cốc nước ép (~30ml) cỏ lúa mì có giá trị dinh dưỡng tương đương với 1,5 – 2kg rau xanh. Ngoài ra, trong thành phần cỏ lúa mì còn rất nhiều loại amino axit và khoáng chất vi lượng rất có lợi cho sức khỏe.
1. Một số lợi ích mà cỏ lúa mì mang lại có thể kể đến như
Thanh lọc cơ thể, giải độc gan: Chất diệp lục trong mầm lúa mì có khả năng giải trừ độc tố, ngăn ngừa và thanh lọc các chất béo tích tụ trong gan. Ngoài ra chúng còn có khả năng tái tạo hồng huyết cầu nhanh chóng cho cơ thể và cải thiện chức năng của gan cùng tim mạch một cách tự nhiên.
Nếu sử dụng nước ép cỏ lúa mì trước mỗi bữa ăn, chất xơ trong nước ép sẽ giúp kiểm soát sự hấp thụ đường và cholesterol từ thực phẩm. Điều này giúp ngăn chặn sự gia tăng đường huyết đột ngột của bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường sau mỗi bữa ăn, giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, các chất xơ trong cỏ lúa mì còn giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol trong máu, giảm sự hấp thu cholesterol từ thực phẩm và ngăn ngừa hình thành mảng bám cholesterol hoặc xơ vữa động mạch. Từ đó có tác dụng làm giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch hoặc cao huyết áp.
Ngoài những công dụng chính được kể bên trên thì thành phần trong cỏ lúa mì còn rất nhiều công dụng hữu ích khác như: tăng sức đề kháng, làm đẹp da, trị mụn, chữa lành vết thương ngoài da…Chỉ cần hiểu rõ và chú ý cách chế biến thì chúng ta sẽ tận dụng được những tác dụng vô cùng hữu ích trong loại cây tự nhiên này.
2. Những lưu ý khi dùng nước ép cỏ lúa mì
Nước ép cỏ lúa mì là thức uống tự nhiên và vô cùng bổ dưỡng, có thể nói rằng trừ phụ nữ đang mang thai thì mọi người trong gia đình đều có thể uống hàng ngày để tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh tật đặc biệt là với những bệnh nhân mắc các bệnh tiểu đường, mỡ máu, xơ gan, tim mạch…
Lượng nước ép nên sử dụng hàng ngày chỉ nên dao động trong khoảng 30-120ml nước ép nguyên chất. Và nên uống khi bụng đói, trước hoặc sau khi ăn ít nhất nửa tiếng, dùng ngay sau khi ép để có kết quả tốt nhất. Lưu ý không uống cùng nước ép cam hoặc chanh vì sẽ làm mất tác dụng của cỏ lúa mì.
Tiếp theo là nên uống từ từ, nhấm nháp từng ngụm nhỏ sẽ giúp làm sạch răng miệng, loại bỏ mùi hôi, nướu chắc khỏe, ngừa sâu răng một cách tự nhiên. Phần bã sau khi ép nước còn có thể dùng để đắp mặt, làm đẹp da, trị mụn, giảm thâm nám.
3. Cách gieo trồng cỏ lúa mì
Dưới đây là chia sẻ cách trồng cỏ lúa mì của độc giả Nguyễn Ngọc Anh. Chia sẻ với TodayIBake, chị đã trồng và thu hoạch được mấy vụ cỏ lúa mì rồi đấy. Hạt giống và kệ trồng thủy canh chị đều mua online, và trộm vía trồng vụ nào cũng rất mát tay, cây cỏ tươi tốt, tha hồ thu hoạch làm nước ép.
Hướng dẫn gieo trồng:
Bước 1: Ngâm hạt giống
Hạt giống sau khi mua về sẽ tiến hành rửa hạt, chà xát nhẹ tay để hạt sạch hơn. Sau đó đem ngâm hạt trong nước sạch. Nếu sử dụng nước ấm khoảng 40 độ C thì ngâm trong vòng 6-8 tiếng, còn nếu sử dụng nước lạnh thì ngâm khoảng 8-12 tiếng. Tuyệt đối không ngâm quá 12 tiếng.
Chú ý: Khi ngâm, lượng nước gấp đôi lượng hạt, vì hạt sẽ nở ra.
Bước 2: Ủ hạt
Đổ hạt đã ngâm ra rổ cho ráo nước, sau đó phủ một lớp giấy ăn hoặc khăn ướt lên hạt và đặt rổ ở nơi tối sẽ giúp hạt nhanh nảy mầm hơn. Mỗi ngày tưới đẫm nước 2-3 lần để cung cấp đủ độ ẩm cho hạt nảy mầm. Sau khoảng 1 ngày sẽ thấy hạt bắt đầu nhú mầm hoặc hạt bắt đầu có rễ thì đem đi gieo.
Bước 3: Gieo hạt giống
Trải 2-3 lớp giấy ăn sạch xuống khay rồi dùng bình tưới phun ướt, để giấy không bị xô lệch. Rải hạt vào khay thật đều và khít nhau. Dùng bình phun tưới đẫm nước đều cả khay trồng. Nên dùng giấy báo hoặc vải đen đậy lại tránh ánh sáng, cây sẽ nhanh phát triển hơn. Khi nào cây mọc được 1-2cm thì không cần che đậy nữa,để cây lấy ánh sáng quang hợp.
Bước 4: Tưới và thu hoạch
Cỏ lúa mì phát triển rất nhanh và cần phun tưới đều đặn hằng ngày. Nên tưới 2-3 lần/ngày.
Lưu ý: Tưới đẫm nước nhưng tránh gây úng ngập cho hạt giống, chỉ sử dụng nước sạch để trồng và không cần bón thêm bất cứ thành phần nào khác.
Sau khoảng 6-15 ngày kể từ lúc gieo hạt vào khay là chúng ta có thể thu hoạch được cỏ lúa mì để chế biến bằng cách cắt phần thân cỏ cách rễ từ 0,5 -1cm. Sau đó đem rửa sạch và chế biến thành nước ép.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây cỏ lúa mì, hãy tin tưởng và kiên trì sử dụng loại thần dược tự nhiên này để thấy những cải thiện rõ rệt đối với sức khỏe của bạn. Nếu có thể hãy tự tay gieo trồng từ hạt giống cỏ lúa mì rồi thu hoạch và ép thành nước ép nguyên chất để đảm bảo được chất lượng thành phẩm làm ra nhé!
(Bài viết sử dụng tư liệu hình ảnh của độc giả Nguyễn Ngọc Anh)