CÁCH LÀM BÁNH SU KEM VỎ GIÒN

Giữa thời tiết nóng nực của mùa hè mà được thưởng thức một chiếc su kem vỏ giòn thơm nức, nhân kem béo ngậy man mát thì quả là tuyệt vời. Bánh su kem được coi là món bánh tráng miệng vừa dễ mà vừa khó. Nhưng tin mình đi, nếu hiểu rõ nguyên lý và cách làm thì các bạn sẽ thấy nó rất dễ dàng.

CÁCH LÀM BÁNH SU KEM VỎ GIÒN

Để làm được một chiếc bánh su kem vỏ giòn cũng trải qua kha khá công đoạn, nhưng mỗi công đoạn lại không quá khó. Nếu lười quá thì các bạn có thể bỏ qua phần vỏ giòn, chỉ làm bánh thôi ăn cũng đủ ngon rồi. Nhưng nếu bạn đã từng nếm thử bánh su kem vỏ giòn một lần, thì chắc chắn bạn sẽ muốn thử sức để chinh phục nó đấy.

1. Phần nhân kem trứng:

Nguyên liệu:

  • 2 lòng đỏ trứng
  • 40 gram đường hạt
  • 20 gram bột ngô
  • 200 ml sữa tươi không đường
  • 10 gram bơ nhạt
  • 2-3 ml vanilla
  • 100 ml whipping cream (kem tươi)
  • 20 gram đường bột (gia giảm tùy khẩu vị)

Cách làm:

  • Đánh tan lòng đỏ trứng với đường cho đến khi hỗn hợp chuyển sang màu vàng sáng. Thêm bột ngô (đã rây mịn) vào đảo đều đến khi hòa quyện.
  • Đun sữa tươi không đường đến khi hơi âm ấm rồi đổ từ từ vào hỗn hợp trên. Lưu ý: sữa không đun quá nóng tránh làm chín trứng và vừa đổ vào vừa khuấy tránh làm hỗn hợp lợn cợn.
  • Đun hỗn hợp trên ở lửa vừa và nhỏ đến khi hỗn hợp sánh lại, vừa đun vừa khuấy nhẹ nhàng tránh bị cháy ở đáy nồi. Khi hỗn hợp còn nóng cho thêm bơ và vanilla đảo đều đến hòa quyện. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín mặt kem trứng, để nguội và cho vào tủ lạnh để khoảng 2-3 tiếng. -> hỗn hợp (A)

    Hỗn hợp kem trứng mịn mượt

  • Đánh bông kem tươi với đường bột trong một âu mới đến khi bông mềm. Sau đó cho hỗn hợp kem trứng vào và đánh đều cho hòa quyện. Lưu ý: ở bước này kem trứng phải để lạnh sâu rồi mới lấy ra trộn với kem tươi đánh bông tránh kem tươi bị chảy. Hỗn hợp đạt là kem có màu vàng sáng, đủ độ đặc để khi bơm vào bánh không bị chảy.
  • Việc cho thêm kem tươi đánh bông sẽ giúp nhân kem ngon và ngậy hơn. Các bạn có thể bỏ qua nếu không thích và dùng luôn nhân kem trứng (A) cũng rất ngon rồi.

2. Phần vỏ giòn:

Nguyên liệu:

  • 45 gram đường hạt
  • 45 gram bột mỳ đa dụng (nếu muốn làm vỏ matcha/cacao có thể thêm khoảng 2 gram bột matcha hoặc 3-4 gram bột cacao)
  • 38 gram bơ nhạt (để mềm ở nhiệt độ phòng)

Cách làm:

  • Dùng phới dẹt trộn tất cả các nguyên liệu với nhau đến khi hòa quyện. Đặt toàn bộ hỗn hợp lên 1 tờ giấy nến cán thành miếng mỏng khoảng 3mm, để cứng trong tủ đông.
  • Dùng khuôn tròn nhỏ đường kính khoảng 3-4cm cắt thành từng miếng hình tròn để riêng trong tủ lạnh. Khi nào chuẩn bị nướng sẽ lấy ra sau để tránh bị chảy bơ. 

3. Phần vỏ bánh su kem:

Nguyên liệu:

  • 50 gram bơ nhạt
  • 120 gram nước (có thể thay bằng 60 gram sữa tươi không đường để bánh được vàng và ngon hơn)
  • 1 xíu muối
  • 60 gram bột mỳ đa dụng
  • 2~3 quả trứng (45~50 gram/quả sau khi bỏ vỏ)

Cách làm:

  • Đun sôi nước, bơ, đường, muối trên lửa lớn.
  • Khi nước sôi bùng lên, bơ tan hết, hạ nhiệt thấp nhất. Đổ bột mỳ vào quấy bằng phới dẹt để nước hút hết bột mì và không bị vón bột. Tiếp tục quấy đến khi hoà trộn, đáy nồi dính 1 lớp mỏng bột, tắt bếp để cho hỗn hợp nguội bớt.
  • Từ từ thêm trứng quấy đến khi bột và trứng hoà vào nhau. Ban đầu hỗn hợp sẽ hơi lợn cợn nhưng dần dần sẽ hòa quyện, đến khi nhấc phới lên bột dẻo vừa phải, kéo lên bột chảy xuống từ từ thành hình chữ V là đạt.
  • Dùng túi bắt kem bơm lên khay nướng thành từng hình tròn đường kính khoảng 3~4cm, đặt phần vỏ giòn đã chuẩn bị trước đặt lên trên và chuẩn bị nướng thôi.
  • Nướng bánh trong lò đã làm nóng trước 15’ ở nhiệt độ 200 độ C trong 15’ đầu, sau đó giảm xuống khoảng 150-160 độ C trong 15’ sau.

LƯU Ý: Để mà ra được một cái bánh su kem nở tốt và rỗng ruột, mọi người cần lưu ý một số điều sau:

- Ở bước đun bột với nước cần đảo cho đến khi ra được khối bột mịn mượt, có một lớp màng bột mỏng ở đáy nồi. Bước này sẽ quyết định bột có hút được chất lỏng ở các bước sau hay không.

- Tiếp theo là trộn bột với trứng, các bạn nên để ý đến trạng thái của bột thay vì cho đúng số lượng trứng theo công thức. Vì mỗi loại bột có độ hút nước khác nhau, trứng cũng to nhỏ khác nhau. Nếu đã cho 2 quả trứng mà thấy hỗn hợp chưa đạt có thể đánh tan 1 quả trứng và cho vào từ từ đến khi hỗn hợp được như mong muốn.

- Phần vỏ su giòn bên trên chỉ nên mỏng khoảng 2-3 mm, nếu dày quá đè lên bánh sẽ khiến bánh nở kém.

Đây là một mẻ bánh với phần vỏ hơi dày nên bánh ko nở được như ý 

- Thời gian và nhiệt độ nướng sẽ khác nhau với mỗi lò, nên để ý đến tình trạng và độ nở của bánh để điều chỉnh. VÀ TUYỆT ĐỐI KHÔNG MỞ LÒ KHI ĐANG NƯỚNG BÁNH.

- Sau khi nướng xong, nên mở hé cửa lò trước cho bánh nguội dần rồi mới lấy bánh ra, vì nếu lấy ra luôn có thể khiến bánh bị xẹp do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Những mẻ sau cán vỏ mỏng hơn nên bánh đã nở được tốt hơn, vỏ đều đẹp hơn

- Nên sử dụng đui tròn để bắt bánh được đều đẹp hơn và bắt cách xa nhau một chút để khi nở bánh không bị dính vào nhau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bánh bị xẹp và nở không tốt.

- Lớp vỏ giòn và ngon nhất là trong 1-2 h đầu, và chỉ nên phun kem khi chuẩn bị ăn. Nếu phun kem vào bánh và để tủ lạnh, lớp vỏ sẽ hút nước từ kem và bị ỉu.

Thành quả là một bữa bánh trái trà chiều

Bài viết này khá là dài nhưng hy vọng nó đủ chi tiết để các bạn có thể hình dung ra cách làm. Hãy nhớ rằng mỗi loại nguyên liệu đều đóng một vai trò nhất định, và mỗi một công đoạn dù đơn giản hay phức tạp đều rất quan trọng. Chúc các bạn thành công với công thức bánh su kem vỏ giòn bất bại này nhé!