CÁCH LÀM BÁNH CHUỐI CHIÊN PHỒNG AN GIANG

Gió lạnh ùa về thường đưa đẩy bước chân chúng ta lang thang tìm kiếm đồ ăn vặt mỗi chiều tan tầm. Nào bánh mỳ, thịt xiên nướng, bánh giò, … và đặc biệt là những hàng bánh khoai, bánh ngô, bánh chuối. Nếu bạn là một tín đồ của các món ẩm thực đường phố, chắc hẳn bạn cũng biết đến sự xuất hiện của món bánh chuối chiên phồng An Giang thời gian gần đây. Hôm nay hãy cùng TodayIBake vào bếp và làm ngay một đĩa bánh chuối nóng hổi, trong mềm ngoài giòn để chiêu đãi cả nhà nhé.

CÁCH LÀM BÁNH CHUỐI CHIÊN PHỒNG AN GIANG

Thực ra món bánh chuối chiên phồng An Giang có nguồn gốc từ miền Nam (cụ thể là các tỉnh thành ở miền Tây). Được bán khá nhiều trên đường phố Sài Gòn hoặc trên các hàng quán vỉa hè, trong các khu chợ khắp miền Tây sông nước. Trong khoảng 1-2 năm gần đây, cứ vào mỗi dịp thời tiết bắt đầu chuyển đông, thì những chiếc xe bánh chuối An Giang lại mọc trên khắp các con đường tại Hà Nội. Bánh chuối chiên ở mỗi nơi sẽ có cách chế biến khác nhau, nêm nếm gia vị phù hợp theo từng địa phương. Tuy nhiên, một chiếc bánh được xem là ngon khi có vỏ bánh vàng ruộm, giòn, không quá dày cũng không quá mỏng. Phần ruột chuối bên trong chín đều, có vị ngọt, cắn đến đâu là vị ngọt béo giòn tan lan ngay đến đó. Hơn nữa, món bánh này lại có cách làm cực kỳ đơn giản cho các bạn trổ tài đấy.

Nguyên liệu 

  • Bột gạo: 150 gram
  • Bột mỳ đa dụng: 50 gram
  • Bột nếp: 8 gram
  • Bột năng: 7 gram
  • Bột nghệ: 1 xíu (tạo màu vàng cho bánh, có thể bỏ qua)
  • Men khô dùng làm bánh mỳ: 1 gram
  • Đường: 50 gram (gia giảm tùy khẩu vị)
  • Nước: 300 gram
  • Mè đen: tùy thích
  • Chuối sứ chín: 4-5 quả (chuối càng chín bánh sẽ càng ngọt)

Cách làm

  • Bước 1: trộn tất cả các nguyên liệu khô trừ mè đen và chuối. Rót từ từ nước vào hỗn hợp và trộn đều để không bị vón cục. Ủ hỗn hợp trong tủ lạnh khoảng 2-3 tiếng. Mục đích của việc ủ bột là để bánh khi chiên có độ giòn và phồng. Sau khi ủ khoảng 2-3 tiếng, lấy hỗn hợp ra và trộn với mè đen.
  • Bước 2: Chuối bóc vỏ, cắt đôi theo chiều dọc, cho vào túi nilon ép dẹt.
  • Bước 3: Sau khi ép dẹt chuối, nhúng vào hỗn hợp bột lần 1 và chiên lửa vừa (lưu ý dầu nóng già và phải chiên ngập bánh). Chuối chiên se mặt vớt ra tiếp tục nhúng vào hỗn hợp bột lần 2 và chiên. Mục đích của việc nhúng bột 2 lần là giúp cho miếng bánh được phồng.

Bánh sau khi chiên vàng vớt ra để ráo dầu, ăn ngay khi còn nóng; hoặc có thể để khoảng 2-3 tiếng mà bánh vẫn giữ được độ giòn. 

Những lưu ý để làm món bánh chuối chiên phồng bất bại

  1. Nên chọn chuối sứ có độ chín vừa phải, nếu chuối chưa chín hẳn sẽ cho ra thành phẩm hơi có vị chát, còn nếu chuối quá chín sẽ dễ bị nát. Ngoài ra khi ép chuối cũng nên ép vừa phải, tránh ép dẹt quá cũng làm nát chuối và khó chiên.
  2. Khi chiên bánh phải ngập dầu và đợi dầu thật sôi mới thả bánh chuối vào, việc này sẽ làm cho bánh chín đều và nhanh hơn. Thành phẩm làm ra cũng giòn và ngon hơn.
  3. Sau khi dầu sôi thì chỉ chiên ở mức lửa vừa phải, không quá to và cũng không nên quá nhỏ. Bởi lửa to quá thì dẫn đến việc vỏ bánh bị cháy xém bên ngoài, vừa mất đi vị ngon, vừa mất đi tính thẩm mỹ. Ngược lại, lửa nhỏ quá sẽ khiến bánh lâu chín, không đảm bảo được độ giòn vì ngấm nhiều dầu ăn.
  4. Ngoài ra trong quá trình chiên nên lật bánh đều tay để bánh vàng đều.
  5. Sau khi vớt bánh ra bạn nên để lên 1 chiếc rổ sắt hay inox đã lót sẵn giấy thấm dầu để bánh được ráo, tránh ngấm dầu mỡ khi ăn sẽ nhanh ngấy.

Chỉ với một số bước làm cực kỳ đơn giản và vài lưu ý như trên, bạn đã có thể hoàn thành món bánh chuối chiên phồng An Giang thơm ngon giòn rụm rồi đấy! Cũng là một món ăn ngon, đơn giản, dễ thực hiện để làm món ăn vặt trong một ngày đông của Hà Nội. Nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy để lại bình luận ở bên dưới cho chúng mình biết nhé. Hy vọng các bạn sẽ đón đọc các bài viết tiếp theo!