BÁNH BÔNG LAN CUỘN CƠ BẢN VÀ CÁCH BIẾN TẤU CÁC VỊ

Xin chào cả nhà! Không biết có ai thích ăn bánh bông lan cuộn như admin không nhỉ? Phải nói đó là món ăn vặt cực hấp dẫn đối với mình, không đòi hỏi trang trí cầu kỳ tí tẹo nào luôn. Hồi nhỏ chưa biết đến món này thì chỉ mong đến dịp sinh nhật được mua bánh gato để ăn phần cốt bánh, về sau phổ biến hơn thì mỗi lần đi siêu thị cứ phải mua hẳn 2 - 3 cuộn ăn cho đã. Dần dà học làm bánh rồi thì thấy bánh mua sẵn không còn hợp khẩu vị nữa vì không điều chỉnh được lượng kem hay độ ngọt,..vv.. Vậy là mình lại tự mày mò học làm thôi!

BÁNH BÔNG LAN CUỘN CƠ BẢN VÀ CÁCH BIẾN TẤU CÁC VỊ

Nếu nói bánh bông lan cuộn không đòi hỏi cầu kỳ thì cũng không hẳn là đúng. Bởi theo thời gian và thị hiếu của người tiêu dùng, món bánh này cũng thay đổi rất nhiều từ công thức phần bạt bánh cho đến nhân kem cuộn, và cả trang trí nữa. Nhưng hãy tạm gác lại những công thức cầu kỳ, hay những cách trang trí bắt mắt, cái gì cũng cần phải có cơ bản đúng không nào? Với những bạn mới học làm bánh, hãy bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất bởi nó làm tăng tỷ lệ thành công của thành phẩm. Từ đó, khi tay nghề ổn định, chúng mình sẽ tha hồ sáng tạo và thử sức với những món yêu cầu kỹ năng cao hơn. Hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn cách làm bánh bông lan cuộn cơ bản nhất cùng một vài cách biến tấu để làm được hẳn 3 vị bánh nhé.

A. Nguyên liệu

1. Phần bạt bánh:

  • 4 lòng đỏ trứng gà
  • 20 gram đường
  • 40 ml sữa tươi không đường
  • 40 gram dầu ăn
  • 30 gram bột mỳ đa dụng
  • 30 gram bột ngô
  • 4 lòng trắng trứng
  • 1/4 tsp cream of tartar
  • 60 gram đường (tách riêng với lượng bên trên để đánh bông lòng trắng trứng)

2. Phần nhân kem:

  • 160 ml whipping cream (>35% béo)
  • 20 gram đường bột
  • 1/2 tsp tinh chất vanilla

B. Cách thực hiện

1. Phần bạt bánh

  • Bước 1: làm nóng lò ở 170 độ C; lót giấy nến vào khuôn hình chữ nhật (mình dùng khuôn chữ nhật kích thước 32cm x 24.5 cm x 3.5 cm). Nên làm nóng lò từ đầu vì công đoạn chuẩn bị bạt bánh chỉ chiếm khoảng 15-20 phút; làm xong bạt bánh cần cho vào nướng ngay tránh xẹp bọt khí.
  • Bước 2: tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng gà, trong âu lòng đỏ cho 20 gram đường vào, dùng phới lồng đánh tan đường (khoảng 2-3’). Sau đó cho sữa tươi và dầu ăn vào đánh tan; rây bột mỳ + bột ngô vào hỗn hợp và trộn đến khi hòa quyện, thu được hỗn hợp lỏng sệt.

  • Bước 3: cho lòng trắng trứng vào một âu khác, cho cream of tartar (có thể thay bằng vài giọt nước cốt chanh để đánh bông lòng trắng dễ hơn). Dùng máy đánh trứng cầm tay đánh bông lòng trắng trứng đến khi nổi bọt khí nhỏ, chia 60 gram đường thành 2-3 phần từ từ cho vào hỗn hợp, vừa cho vừa đánh ở tốc độ thấp. Đến khi cho hết đường, tiếp tục đánh ở tốc độ trung bình đến khi lòng trắng bông mềm, tạo chóp.
  • Bước 4: chia hỗn hợp lòng trắng trứng đã đánh bông thành 2-3 phần cho vào hỗn hợp bột bánh ở bước 2 từng phần một và trộn theo phương pháp fold (hất từ dưới lên). Lưu ý trộn nhẹ nhàng, dứt khoát, tránh làm vỡ bọt khí và lắng bột dưới đáy âu đến khi hỗn hợp hòa quyện.

  • Bước 5: đổ hỗn hợp vào khay nướng đã chuẩn bị sẵn, dàn đều bột vào các góc; đập khay khoảng 2-3 lần cho vỡ bớt bọt khí to sau đó cho vào lò nướng. Nướng bánh ở chế độ 2 lửa, không quạt ở nhiệt độ 170 độ C trong vòng 25-30 phút. Lưu ý nhiệt độ và thời gian mang tính chất tham khảo, nhiệt độ và thời gian có thể thay đổi một chút tùy từng lò. Khi bánh chín, mở hé cửa lò một lúc rồi mới lấy bánh ra, tránh tình trạng nhiệt độ thay đổi đột ngột làm xẹp bánh. Gỡ bánh khỏi khuôn và hong trên rack cho bánh nguội bớt, sau đó tiến hành cuộn bạt bánh lỏng tay khi bánh còn hơi ấm để định hình trước khi phết kem.

2. Phần nhân kem:

  • Cho kem tươi, đường, vanilla vào âu sạch. Dùng máy đánh trứng cầm tay đánh bông kem tươi đến khi kem đặc lại và mịn. Bước này, các bạn lưu ý kiểm tra xem kem đủ độ đặc và mịn hay chưa, nếu đánh kem lâu quá có thể gây ra tình trạng rỗ kem. Thông thường thời gian đánh kem sẽ mất khoảng 3-4 phút là đạt. Ngoài ra cũng cần giữ cho âu đánh và que đánh lạnh trong quá trình làm để tránh làm kem bị tách nước sẽ không đánh bông được.
  • Nhân kem sau khi đánh có thể bảo quản trong tủ lạnh nếu chưa dùng ngay.
  • Bước cuối cùng là phết kem lên mặt bánh và cuộn lại theo form đã định hình từ trước. Để cuộn bánh thành công không bị gẫy có thể dùng dao khứa 2-3 đường phần đầu bánh, mỗi đường cách nhau khoảng 2-3 cm sẽ dễ cuộn hơn. Khi phết kem nên để dư ra khoảng 1-2 cm ở cuối vì khi cuộn kem sẽ bị đẩy dần về đuôi, nếu phết hết mặt bánh kem sẽ bị thừa.

  • Sau khi hoàn thành bọc toàn bộ cuộn bánh bằng màng bọc thực phẩm và để trong tủ lạnh 3-4 tiếng để giữ được form. Sau đó mới lấy ra, cắt bớt 2 rìa đầu và trang trí thêm theo sở thích, vậy là có thể ăn được rồi.

Trên đây là công thức cơ bản để làm bánh bông lan cuộn vị vanilla. Thông thường khi làm cho gia đình, mình thường thay đổi một chút để tạo được hẳn 3 hương vị khác nhau.

  • Đối với bánh bông lan vị vanilla, mình sẽ cuộn thêm trái cây tươi vào nhân để khi ăn đỡ bị ngán, cảm giác khi ăn bánh cũng thấy “fresh” hơn rất nhiều.
  • Đối với bánh bông lan vị cacao, mình sẽ thêm khoảng 10-15 gram bột cacao khi làm bạt bánh, và khoảng 7-8 gram bột cacao khi đánh nhân kem. Hầu như các bạn nhỏ rất thích vị này :)
  • Đối với bánh bông lan vị trà xanh, mình sẽ thêm khoảng 8-10 gram bột matcha vào phần bạt bánh và khoảng 5 gram bột matcha khi đánh nhân kem. Vị này khá lạ và thơm, thường thi các bậc phụ huynh sẽ thích vị này hơn một chút.
  • Ngoài ra, nếu không thích nhân kem, các bạn hoàn toàn có thể thay bằng mật ong hoặc mứt hoa quả cũng rất ngon và lạ miệng.

Vậy là với một chút biến tấu cơ bản, chúng ta đã có ngay một món tráng miệng vừa ngon, vừa đảm bảo cho cả gia đình rồi. Từ công thức này các bạn có thể biến tấu để làm thêm nhiều món bánh cuộn hơn nữa đấy, hãy cùng đón đọc trong những bài viết tiếp theo của chúng mình nhé.